Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lần nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139:5-10).
Anh chị em của tôi trong Chúa Kitô.
Khi chúng ta bắt đầu tiến trình hướng tới một cuộc Phục Hưng Thánh Thể, tôi viết với niềm hy vọng và niềm vui lớn lao trong Chúa rằng sự hiện diện của Ngài sẽ mãi là Đấng dẫn đường cho chúng ta. Tôi gởi đến anh chị em những suy tư cầu nguyện của tôi về việc làm thế nào chúng ta có thể khởi sự tiến trình nầy và xem xét lại mối tương quan của chúng ta với Chúa như là thời điểm xác quyết đức tin của chúng ta. Tôi xin anh chị em cầu nguyện và phân định ở chỗ nào chúng ta có thể cùng nhau tái cam kết lòng ao ước đón nhận Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể để tâm hồn chúng ta được no đầy sự Hiện Diện của Chúa và trở thành Đức Kitô cho nhau. Lời cầu xin tha thiết của tôi là, qua tiến trình nầy, chúng ta sẽ yêu mến Chúa Giêsu trong mỗi người anh chị em chúng ta.
Lời mời gọi từ Chúa Giêsu
Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9:9)
Có bao nhiêu người trong chúng ta ước ao muốn theo chân Chúa Giêsu? Tôi tin rằng, anh chị em, những người mà tôi đã gặp gỡ, từ người trẻ nhất cho đến người cao niên nhất, câu trả lời là một tiếng cùng hô vang rằng “Con muốn theo Ngài!” Khi được sinh ra, Chúa Giêsu đã biết mỗi người chúng ta, Ngài yêu thương và mời gọi chúng ta đi theo Ngài. Từ khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy (Rửa Tội), chúng ta bắt đầu bước theo Chúa Giêsu. Một số trong anh chị em đã đồng thuận lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy khi đã trưởng thành, và một số trong anh chị em được cha mẹ hay người đỡ đầu ẵm đến để theo Chúa Giêsu; và khi gia đình cũng như các bạn hữu của anh chị em dạy cho biết Chúa Giêsu, anh chị em vẫn tiếp tục bước theo Ngài.
Đây là lời mời gọi yêu thương từ Chúa Giêsu dành cho anh chị em. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta tận hiến cuộc đời của chúng ta, không đắn đo, không vì tư lợi, không suy nghĩ “được điều gì cho tôi?” Anh chị em hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã từng bị chỉ trích vì Ngài đã kêu gọi những người tội lỗi – những người như anh chị em và tôi. Họ đã đáp lại lời mời gọi của Ngài vì họ đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Con Đường của sự Trọn Hảo. Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã ký lời Giao Ước với Chúa rằng chúng ta yêu Ngài trên hết mọi sự và phụng sự Ngài qua anh chị em của chúng ta.
Gặp Gỡ Chúa Giêsu
Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22:19-20)
Ai là Thánh Thể? Thánh Thể chính là Chúa Giêsu! Như Thánh Gioan Tông Đồ nói với thánh Phêrô sau ngày Phục Sinh: “Chúa đó!” (Ga 21:7). Chúa Giêsu nói với các tông đồ, những môn đệ của Ngài và tất cả chúng ta với tình yêu bao la và Ngài biết chúng ta cần được nuôi dưỡng để theo Ngài. Ngài biết những khó khăn mà chúng ta sẽ đối diện. Với Thánh Thể, Ngài đã trao ban chính Ngài cho chúng ta để chúng ta có thể đón nhận Ngài và tiếp tục cuộc hành trình với Ngài mỗi ngày. Thánh Giútinô Tử Đạo đã viết: “Chúng ta được dạy rằng lương thực được biến thành Thánh Thể qua lời truyền phép của linh mục và lương thực nuôi dưỡng thịt và máu của chúng ta bằng cách hòa tan, chính là thịt và máu của Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành người phàm.” (Thánh Giútinô Tử Đạo (c.155 AD), Biện Luận thứ nhất, 66)
Vậy thì làm sao chúng ta có thể từ chối Chúa Giêsu? Sự gì hay ai có thể ngăn cản chúng ta lãnh nhận Mình, Máu, Linh Hồn, và Thiên Tính của Chúa Giêsu, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta? Phép Thánh Thể là sự tham dự của chúng ta vào Sự Sống Thần Linh nhờ Đức Kitô trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa, nhờ hai điều đó mà Hội Thánh tồn tại, được diễn tả cách xác đáng và thực hiện cách kỳ diệu nhờ bí tích Thánh Thể. Trong bí tích này, hành động Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Đức Ki-tô và việc phụng tự mà con người dâng lên Đức Ki-tô và nhờ Người mà dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, cả hai đều đạt tới tột đỉnh.” (GLHTCG 1325). Đây là một mầu nhiệm cao cả trong đức tin của chúng ta – Chúng ta chỉ được mạc khải bằng những giáo huấn của Đức Kitô qua Thánh Kinh và Tông Truyền của Hội Thánh.
Thánh Phanxicô Assisi nói: “Bằng cách nầy, Chúa luôn hiện hữu với dân Ngài,” như Ngài đã nói, “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)
Theo Chúa Giêsu
Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, thì không lẽ chúng ta không làm những gì Ngài yêu cầu? Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta tới một giới răn mới. Ngài nói: “Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 13:14).
Chúng ta là một phần của câu chuyện của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta “viết những câu chuyện cứu chuộc vào những trang của thời đại chúng ta.” Bằng việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta tiếp tục lịch sử cứu độ vì Đức Giêsu Kitô là hôm qua, hôm nay, và mãi mãi. “Từ ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Giáo Hội, Dân của Giao Ước Mới, khởi đầu cuộc lữ hành về quê hương thiên quốc, Bí tích thần linh vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo Hội, lấp đầy chúng với niềm hy vọng tín thác.” (Thông Điệp Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể – Ecclesia de Eucharistia, 1).
Cũng như thể xác của chúng ta được nuôi dưỡng bằng những lương thực thu gặt được từ mặt đất cho chúng ta có sức lực, Bánh bởi Trời cũng nuôi dưỡng chúng ta để phát sinh Nước Trời tại trần gian này. Trong thực tại tâm linh của chúng ta, lương thực đóng một vai trò chủ yếu trong lịch sử cứu độ, từ trái cấm của vườn địa đàng mang đến tội lỗi và sự chết, đến lương thực từ thân thể của Đức Kitô bị treo trên cây Thập Giá mang đến sự sống vĩnh cửu.
Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11: 23-25)
Trở nên Thánh Thể với Chúa Giêsu
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3: 16).
Không phải Thánh Thể được biến đổi nên chúng ta, nhưng là chính chúng ta được biến đổi bởi Ngài.
Từ việc lãnh nhận Chúa Giêsu, chúng ta được bao bọc trong tình yêu Chúa, và được thúc bách ra đi để đem tình yêu của Ngài, bí tích Thánh Thể, đến cho nhau. Chúng ta trở thành nơi cư ngụ của Ngài. “Lúc đi viếng (bà Isave), Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” một cách nào đó – “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử – trong đó Con Thiên Chúa, chưa được thấy với mắt loài người, được bà Isave tôn thờ, như thể “chiếu tỏa” ánh sáng của Ngài qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria. Và cái nhìn say đắm của Đức Maria, chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?” (Thông Điệp Giáo Hội Từ Bí Tích Thánh Thể – Ecclesia de Eucharistia, 55).
Thánh Irênê đã viết: “Lối suy nghĩ của chúng ta được hòa hợp bởi Thánh Thể, và ngược lại Thánh Thể xác định cách chúng ta suy nghĩ.” Làm thế nào để biến đổi bộ mặt cộng đoàn của chúng ta nếu chúng ta tự nguyện trao ban tình yêu của Chúa cho nhau mà không mong đợi sự đáp trả? Khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu chúng ta chấp nhận mệnh lệnh của Ngài. Tình yêu chúng ta trao ban phải là tình yêu kết hợp với Chúa Giêsu. Chúng ta trình bày Ngài với anh chị em của mình. Chúng ta được mời gọi bước ra khỏi những tiện ích của mình và trở thành Thánh Thể, nhằm mang Chúa Giêsu đến giữa chúng ta và đến với anh chị em mà chúng ta gặp gỡ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Trong thực hành, sống với tình yêu nầy có ý nghĩa gì? Trước khi ban cho chúng ta giới răn nầy, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ; và sau khi ban giới răn nầy, Ngài đã hiến thân trên cây thập giá. Yêu có nghĩa như thế nầy: Phục vụ và hiến thân. Để phục vụ…là để chia sẻ những đặc sủng và những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cụ thể, chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi phải làm gì cho tha nhân?”’
Hành trình hướng đến Quê Trời
Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24: 30,31).
Sau khi Phục Sinh, hai môn đệ đã gặp Chúa Giêsu trong lúc bước tiến về Em-mau; tuy nhiên họ đã không nhận ra Ngài. Chỉ đến khi Ngài tỏ chính mình cho họ là Thánh Thể, thì họ mới nhận ra Ngài.
Tôi ngĩ rằng chúng ta vẫn còn giống như các môn đệ đó. Chúa Giêsu đang ngự trong mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy Ngài hiện diện. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu nói với chúng ta cách để nhận ra Ngài là khi chúng ta được mời gọi phục vụ lẫn nhau. Dân chúng hỏi Ngài: “Có bao giờ chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? Chúa Giêsu đã đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi: “Có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? Chúa Giêsu đã đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Xem Mt 25: 28-40)
Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, OFM viết trong một bài giảng của ngài: “Chúng ta phải biến cuộc đời chúng ta thành quà tặng tình yêu dâng lên Thiên Chúa Cha vì lợi ích của anh chị em chúng ta. Chúng ta phải biến mình thành Thánh Thể.”
Anh chị em sẽ theo Chúa Giêsu không? Anh chị em sẽ đáp lại mệnh lệnh của Ngài để đón nhận Ngài không? Được nuôi dưỡng bằng Chúa Giêsu Thánh Thể, anh chị em sẽ trở thành Đức Kitô của nhau không?
Xin Đấng Bổn Mạng Giáo Phận chúng ta, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua hai tiếng “xin vâng” đã thông phần vào công cuộc cứu chuộc của Con của Mẹ, được trao ban cho chúng ta như Bánh Hằng Sống trong bí tích Thánh Thể, dẫn đưa chúng ta đến sự phục vụ như là nơi cư ngụ của Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta biến đổi thế giới này trở thành Thánh Thể cho mọi người.
Đức Giám Mục Gioan Noonan
Ngày 27 tháng 11 năm 2022
Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng